Kiến thức y học phổ thông
Mối nguy hiểm mang tên Rotavirus
Rotavirus là loại vi rút đường ruột phổ biến nhất, thường gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ và là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của hơn 610.000 trẻ em trên toàn thế giới hằng năm. Thống kê tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp thì có một trường hợp là do nhiễm Rotavirus. Với biểu hiện đặc trưng là sốt, nôn mửa và tiêu chảy,… Rất nhiều trẻ đã tử vong do không được điều trị kịp thời.
Tiêu chảy cấp do Rotavirus thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 2 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ nhiễm Rotavirus càng cao và mắc bệnh càng nặng. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ sức đề kháng yếu (nhất là vào thời điểm giao mùa, mùa đông thời tiết lạnh) và vi rút lây lan nhanh ở trẻ chủ yếu qua con đường phân - miệng và tay - miệng. Rotavirus thường được thải ra ngoài theo phân của người bệnh và tồn tại rất lâu ngoài môi trường, virút có thể bám dính ở bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật, vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ… nhất là nhà trẻ, mẫu giáo.
Khi trẻ nhiễm Rotavirus sẽ đào thải ra ngoài một lượng siêu vi rất lớn đến 10 ngàn tỷ con, nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ khoảng 10 con siêu vi là có thể lây nhiễm và gây bệnh cho trẻ khác. Ngoài ra trẻ cũng thường bị nhiễm virút do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, do thức ăn bị nhiễm bẩn trong quá trình chế biến, bàn tay người làm bếp bị nhiễm virút do sờ chạm vào các bề mặt, các đồ vật (bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà…) bị nhiễm bẩn trước đó.
Sau khi bị lây nhiễm khoảng 12 giờ đến 4 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nôn và tiêu chảy: Nôn xuất hiện trước tiêu chảy 6 - 12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2 - 3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Trẻ thường đi tiêu phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đàm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày (có thể lên đến 20 lần/ngày), sau đó giảm dần. Đa số các trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4 - 8 ngày. Tuy nhiên có thể có trẻ vẫn còn tiêu chảy đến 2 tuần dù trẻ đã khỏe, bắt đầu chơi đùa và ăn trở lại.
Ngoài ra trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng khác như: sốt vừa phải, đau bụng, ho, sổ mũi.
Đặc trưng là Rotavirus gây tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần, trẻ dễ bị mất nước, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Đây cũng là biến chứng nguy hiểm của bệnh và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ phải nhập viện cao hơn và tình trạng nặng hơn so với các trường hợp tiêu chảy do nguyên nhân khác.
Do thiếu kiến thức về bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus nên nhiều bậc cha mẹ đã tự ý cho con dùng thuốc khi trẻ bị tiêu chảy dẫn đến làm nặng thêm bệnh, thậm chí gây tử vong cho trẻ.
Không giống như các trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn khác, tiêu chảy do Rotavirus không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh nhưng tình trạng cha mẹ tự ý cho con uống thuốc kháng sinh khi trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus khiến trẻ không những không khỏi bệnh mà bệnh còn nặng thêm do thuốc điều trị không đúng và gây ra tác dụng phụ như dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc,…
Bên cạnh đó, một sai lầm rất phổ biến của các bậc cha mẹ nữa là cho con uống thuốc cầm tiêu chảy. Các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài chứ không có tác dụng tiêu diệt virút, nguyên nhân gây nên bệnh. Phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, tử vong…
Khi trẻ có biểu hiện nôn, tiêu chảy, sốt,… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y để các bác sĩ khám xác định nguyên nhân và có chỉ định điều trị phù hợp. Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước do tiêu chảy. Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không có gas), nước dừa tươi và oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc. Ở trẻ còn bú, tiếp tục cho trẻ bú như bình thường.
Cần chú ý theo dõi các biểu hiện trẻ bị mất nước để đưa trẻ đến cơ sở y tế can thiệp kịp thời như: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc,…
Việc điều trị và chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus thường khó khăn vì tiêu chảy do Rotavirus thường gây nôn, trẻ sẽ không muốn ăn, không chịu uống thuốc, do đó cha mẹ cần hết sức kiên trì khi chăm sóc trẻ để điều trị hiệu quả và tránh cho trẻ bị suy dinh dưỡng sau này. Nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, chia nhỏ bữa thành nhiều lần trong ngày. Khi cho trẻ ăn cần để trẻ nằm đầu cao hoặc ngồi, đút chậm từng thìa để tránh cho trẻ bị nôn. Sau khi trẻ khỏi bệnh, các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn thêm bữa, bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng để trẻ có thể tăng cân trở lại và phát triển đầy đủ.
Theo Suckhoe&doisong