Kiến thức y học phổ thông
Đau bụng dưới tuổi dậy thì, coi chừng u nang buồng trứng
Các bé gái ở tuổi dậy thì là đối tượng dễ mắc u nang buồng trứng xoắn. Đa số trường hợp phát hiện được khi khối u đã to, hoặc tình cờ phát hiện qua siêu âm bụng.
Bé gái P.T.T., 13 tuổi, đột ngột đau vùng bụng dưới kèm nôn, sốt nhẹ. Người nhà đưa bé đi khám, phát hiện một u nang buồng trứng bên phải, kích thước khá to, có khả năng xoắn. Bé được tiến hành mổ nội soi, cấp cứu cắt bỏ u, bảo tồn phần phụ. Trên đây là một bệnh cảnh điển hình thường gặp của trường hợp u nang buồng trứng xoắn ở tuổi dậy thì.
Một bé gái bình thường có hai buồng trứng nằm hai bên tử cung (dạ con). U buồng trứng là từ dùng để chỉ một khối phát triển bất thường ở buồng trứng. U bao gồm hai dạng: u đặc và u nang. U nang buồng trứng là các túi chứa đầy dịch ở trong hoặc trên bề mặt buồng trứng. Một số trường hợp, u nang buồng trứng phát triển rất lớn, xuất huyết sau đó xoắn hoặc vỡ ra có thể gây nguy hiểm tính mạng của bé.
U nang buồng trứng được chia làm hai loại: u nang cơ năng và u nang thực thể. U nang cơ năng của buồng trứng là những khối u xuất hiện do các rối loạn hoạt động nội tiết của buồng trứng. Các nang này thường tự biến mất trong vòng vài tháng và không có triệu chứng. Nhưng cũng có trường hợp u to lên quá mức làm xuất huyết nang, vỡ nang… cần phải cấp cứu. Còn u nang thực thể buồng trứng là những tổn thương xuất phát từ mô buồng trứng tiến triển thành những khối u to. Quá trình này thường diễn ra trong nhiều năm. Khi kích thước khối u to, phải mổ cấp cứu.
Tùy theo kích thước của u mà các biến chứng có thể xảy ra sớm hay muộn: có thể xoắn u nang khi các u nang lớn, có cuống; vỡ u nang do u quá lớn kèm xuất huyết bên trong u; chèn ép các tạng xung quanh, khi u phát triển quá lớn và phát hiện quá muộn.
Tuy vậy, khi chưa có biến chứng, u nang buồng trứng thường gây các triệu chứng rất mơ hồ, một số trường hợp có thể có kinh nguyệt không đều, trẻ có thể đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn, luôn thấy chướng bụng hoặc đầy hơi. Một số trường hợp u nang quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng có thể xuất hiện các triệu chứng tưởng chừng như không liên quan đến u nang như tiểu rắt, tiểu khó (nếu chèn ép bọng đái), táo bón (chèn ép trực tràng), phù hai chi dưới (chèn ép hệ tĩnh mạch)…
Vì vậy, ở trẻ gái đã biết hoặc chưa biết có u nang buồng trứng, nhưng nếu trẻ có các triệu chứng sau, nên đưa trẻ đi khám ngay: đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, kèm theo sốt và nôn, đôi khi có thể choáng vì đau; bụng to bất thường, sờ thấy có một khối ở vùng bụng kèm đau.
Tùy vào kích thước u và các triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ sẽ quyết định cách điều trị cho từng trường hợp cụ thể hoặc theo dõi, phẫu thuật cấp cứu, lên lịch mổ. Hiện nay phẫu thuật nội soi đang có ưu thế hơn mổ mở vì ít xâm lấn, dễ dàng quan sát toàn bộ ổ bụng và buồng trứng bên kia, ít gây tổn thương cho mô buồng trứng hơn khi bóc tách và đảm bảo thẩm mỹ.
BS TRƯƠNG ANH MẬU
(BV Nhi Đồng II, TP.HCM)