Kiến thức y học phổ thông
Có thật "đậu nành là kẻ thù của nam giới"?
“Đậu nành làm giảm số lượng tinh trùng”, “Đậu nành - kẻ thù của nam giới”... Những thông tin này khiến nhiều đấng mày râu tẩy chay tất cả những thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành.
Đậu phụ, sữa đậu nành có liên quan đến “bản lĩnh đàn ông”?
Phần lớn các bài viết về tác dụng tiêu cực của đậu nành đối với khả năng sinh sản của nam giới xuất phát từ một công trình nghiên cứu được công bố năm 2007 của tiến sĩ Jorge Chavarro (Đại học Y tế công cộng Harvard, Mỹ).
Theo đó, lượng tinh trùng trong 1ml tinh dịch của những người tiêu thụ mỗi ngày một lượng thức ăn chế biến từ đậu nành tương đương với một cốc sữa đậu nành 240ml hoặc một bìa đậu phụ 115gr thấp hơn trung bình khoảng 41 triệu so với những người không ăn những thực phẩm này.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập số liệu từ 99 bệnh nhân nam đến phòng khám vô sinh hiếm muộn của Bệnh viện đa khoa Massachusetts trong thời gian từ năm 2000 đến 2006. Những người này được yêu cầu điền vào các bản câu hỏi thăm dò, trong đó có đề cập đến số lượng 15 loại thực phẩm từ đậu nành mà họ đã ăn trong vòng 3 tháng trước khi đi khám.
Ảnh nguồn Internet
Họ được phân thành các nhóm theo lượng isoflavones trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Isoflavones là thành phần phong phú trong đậu nành, thuộc nhóm phytoestrogen, có tác động như hormone nữ estrogen.
Ngay sau khi được công bố, nghiên cứu của Chavarro đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt vì trên thực tế, lượng tinh trùng trung bình của nam giới trong những thập kỷ gần đây đang có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, có một số điểm khiến cho kết quả nghiên cứu này không thực sự thuyết phục. Trước hết là quy mô nghiên cứu khá nhỏ, chỉ dựa trên thông tin của 99 người. Được xây dựng theo kiểu nghiên cứu tiêu biểu một thời điểm (cross-sectional study), công trình này không thể xác định mối quan hệ nhân quả của vấn đề.
Hơn nữa, trong số các đối tượng nghiên cứu, có đến 72% thuộc dạng thừa cân, béo phì. Mà theo các chuyên gia về sức khỏe sinh sản thì nam giới béo phì thường có xu hướng chuyển hóa nhiều hormone nam testosterone thành hormone nữ estradiol (thuộc nhóm estrogen), dẫn đến mất cân bằng trong tỉ lệ giữa hormone nam và hormone nữ.
Vốn đã có mức estrogen cao hơn trung bình, nên khi ăn các thực phẩm từ đậu nành, tức là bổ sung thêm isoflavones, thì lượng hormone nữ trong cơ thể nam giới béo phì có thể bị đẩy lên đến mức bất thường, làm sụt giảm khả năng sản xuất tinh trùng của cơ thể. Nói một cách khác, người béo phì nhạy cảm hơn với isoflavones.
Điều này có thể giải thích vì sao nam giới ở châu Á, đặc biệt là Đông Á, dù sử dụng các sản phẩm từ đậu nành nhiều hơn hẳn ở Mỹ và châu Âu, lượng isoflavones trong chế độ dinh dưỡng cũng cao hơn từ 5 đến 10 lần, nhưng tỉ lệ các vấn đề về khả năng sinh sản lại không hề cao hơn. Lý do có thể là ở châu Á, vấn đề thừa cân, béo phì ở nam giới ít phổ biến hơn nhiều so với các nước phương Tây.
Một vấn đề khác làm giảm tính thuyết phục trong nghiên cứu của Chavarro là nó không tính đến nguồn isoflavones từ những thực phẩm khác, cũng như chưa loại trừ hết các thói quen sinh hoạt có thể làm giảm số lượng tinh trùng.
Hơn nữa, độ tin cậy của nó chủ yếu dựa vào yếu tố chủ quan của người tham gia nghiên cứu khi họ trả lời các bản thăm dò, trong khi đây lại là vấn đề rất khó kiểm chứng.
Chính vì vậy, bản thân tiến sĩ Chavarro cũng khẳng định cần phải có thêm nhiều nghiên cứu khác trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng về ảnh hưởng của đậu nành đến khả năng sinh sản ở nam giới. Nhà khoa học này cho rằng "Không nên hoảng sợ" và "Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về việc liệu đậu nành có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới".