Kiến thức y học phổ thông
Nhiễm giun xoắn
Vừa qua, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận bệnh nhân là 2 vợ chồng trú tại Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) trong tình trạng sốt cao, phù nề, đau cơ nhiều, tiêu chảy… Khai thác bệnh sử và làm các xét nghiệm các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột (nhiễm giun sán) nên đã lấy mẫu huyết thanh; mẫu sinh thiết cơ gửi tới Viện Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương và Đại học Y Hà Nội để làm xét nghiệm chẩn đoán.
Sau hơn một tuần, kết quả xét nghiệm cho thấy 2 mẫu huyết thanh đều dương tính với giun xoắn. Riêng mẫu sinh thiết cơ là không thấy xuất hiện các kén của ấu trùng giun. Các bác sĩ đã kết luận bệnh nhân bị nhiễm giun xoắn do ăn thịt lợn chưa nấu chín. Sau 1 tuần được điều trị người vợ đã hết sốt, tiêu chảy, phù nề giảm nhiều. Người chồng vẫn còn sốt, phải tiếp tục truyền nước. Đây là một trong nhiều bệnh nhân mà Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận điều trị từ đầu năm đến nay. Vậy, nhiễm giun xoắn có nguy hiểm, con đường lây nhiễm như thế nào…. Bài viết sau đây giúp độc giả hiểu rõ căn bệnh này.
Là một bệnh truyền nhiễm lây truyền từ lợn hoặc chuột sang người, chủ yếu qua đường ăn uống do ăn thịt lợn hoặc thịt các động vật hoang dã sống (nấu chưa chín) có chứa ấu trùng giun xoắn. Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Các triệu chứng điển hình thường xuất hiện sau 5 - 15 ngày kể từ khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng giun xoắn và tuỳ thuộc lượng ấu trùng giun xoắn mà bệnh nhân ăn phải nhiều hay ít. Thời gian ủ bệnh có khi kéo dài tới 45 ngày nếu nhiễm ít ấu trùng.
Người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và sau 1-2 giờ di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4-5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Một giun xoắn cái có thể đẻ từ 500 - 1.000 ấu trùng trong thời gian khoảng 4 - 6 tuần.
Chu kỳ nhiễm giun xoắn.
Ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm. Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hoá dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.
Trong cơ thể người, giun xoắn phát triển theo 3 thời kỳ: Thời kỳ đầu, giun xoắn sống ở ruột làm cho người bệnh bị viêm ruột nặng, đại tiện lỏng nôn, đau bụng, sốt 40 - 41 độ C. Một tuần sau, ấu trùng từ niêm mạc ruột non xâm nhập ồ ạt vào máu, hạch bạch huyết của người bệnh làm cho họ sốt cao, mê mệt, đau các khớp xương, đau cơ, khó nuốt, khó thở, phù mặt, nhất là ở hai mi mắt. Giữa tuần lễ thứ ba, ấu trùng bắt đầu hình thành kén và thải độc tố vào trong các cơ khiến bệnh nhân đau dữ dội, khó cử động, cơ thể gầy sút, sức khỏe suy sụp nhanh do không ăn được. Trong những thể trung bình, bệnh kéo dài 3 - 4 tuần, có khi 2-3 tháng.
Tóm lại, biểu hiện lâm sàng của nhiễm giun xoắn có 4 triệu chứng cơ bản sau:
1. Phù mi mắt là dấu hiệu sớm và đặc trưng của bệnh, đôi khi phù cả đầu hoặc lan xuống cổ và tay. Đôi khi phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc.
2. Đau cơ xuất hiện khi thở sâu, ho, khi nhai, nuốt, nói, đại tiện, đau cả mặt và cổ, đau khi vận động. Do đau dẫn đến co cứng cơ và hạn chế vận động.
3. Sốt nhẹ tăng dần, sau 2-3 ngày thân nhiệt lên tới 39 - 40oC. Trong trường hợp nhiễm nhẹ, bệnh có thể tiến triển với sốt âm ỉ.
4. Ngoài ra còn có các triệu chứng như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.
Ấu trùng và giun xoắn được phóng to dưới kính hiển vi.
Tuỳ theo mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn, tỷ lệ tử vong từ 6 - 30%. Các biến chứng có thể xuất hiện ở tuần thứ 3, thứ 4 của bệnh như viêm cơ, viêm phổi, viêm não gây tử vong. Trường hợp nặng, tử vong do suy cơ tim có thể xảy ra ngay tuần đầu hoặc tuần thứ 2.
Bệnh lây truyền qua đường ăn uống, do vậy phải ăn chín, uống nước đun sôi là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Không ăn thịt sống, tái và tiết canh để tránh nhiễm giun.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thuận
Theo Suckhoe&doisong