Kiến thức y học phổ thông
Thuốc nhỏ mũi phải dùng đúng cách
Việt Nam là nước khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, khi chuyển mùa thì nóng lạnh thất thường nên hay gây ra viêm mũi họng. Hẳn là rất nhiều người đã từng dùng thuốc nhỏ mũi, xịt mũi do tự mua ở hiệu thuốc hoặc được bác sĩ kê đơn 1 lần rồi tự mua dùng những lần tiếp theo, nhưng liệu bạn có để ý các lọ thuốc này bao gồm những thành phần gì và dùng như thế nào để an toàn cho mũi?
Mỗi loại thuốc nhỏ, xịt mũi chứa các thành phần khác nhau và cách dùng chúng trong trường hợp nào, kéo dài bao lâu thì tốt cho mũi mà vẫn an toàn phụ thuộc vào chính các thành phần trong đó. Các thuốc xịt, nhỏ mũi dùng để điều trị triệu chứng của viêm mũi. Viêm mũi thường biểu hiện 3 triệu chứng chính là hắt hơi, chảy mũi và ngạt mũi. Dựa vào bản chất thành phần trong lọ thuốc xịt, nhỏ mũi thì trong hàng chục loại thuốc này có trên thị trường chỉ nằm gọn trong 4 nhóm sau:
Thuốc co mạch: ví dụ naphazoline, oxymethazoline, xylomethazoline. Đặc điểm chung của các thuốc này là có tính chất co mạch, qua đó làm giảm sung huyết các cuốn mũi, giúp thông mũi nhanh ngay sau khi dùng vài phút, tác dụng kéo dài từ 8-12 tiếng nên 1 ngày dùng 2-3 lần là đủ. Thuốc này chỉ có tác dụng làm thông mũi mà không có tác dụng đối với các triệu chứng khác của viêm mũi. Naphazoline gây co mạch rất mạnh nên không được dùng cho trẻ dưới 7 tuổi, ngoài ra do tác hại mạnh đến hệ thông lông chuyển ở niêm mạc mũi nên thuốc này hiện nay được khuyến cáo không nên dùng ngay cả với người lớn.
Oxymethazoline và xylomethazoline được thay thế và tin dùng hơn. Hai nhóm này có chế phẩm riêng theo hàm lượng dùng cho người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các thuốc co mạch đều có chung tác dụng phụ là làm mất tính đàn hồi niêm mạc mũi, gây phì đại cuốn mũi, nhất là khi dùng thường xuyên và kéo dài. Do đó, chỉ nên dùng khi thật sự ngạt mũi nhiều, ảnh hưởng đến thở và sinh hoạt, không nên dùng quá 7 ngày một đợt. Khi dùng quá 7 ngày mà vẫn ngạt mũi thì nên đến khám bác sĩ tai - mũi - họng.
Các thuốc này chứa các corticosteroid tổng hợp có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, do đó có tác dụng giảm cả 3 triệu chứng là hắt hơi, chảy mũi và ngạt mũi. Các dòng thuốc này không có tác dụng ngay sau khi dùng, mà phải đợi sau 3-5 ngày dùng thuốc. Các dược chất này sau khi xịt vào mũi sẽ có tác dụng tại chỗ ở mũi, một phần sẽ được hấp thu vào máu chuyển hóa qua gan thành các chất không có hoạt tính, do đó không hoặc rất ít tác dụng phụ ảnh hưởng đến toàn thân như các thuốc dạng corticosteroid đường uống và tiêm.
Vì vậy, thuốc này có thể dùng kéo dài, thường được kê cho các loại viêm mũi mạn tính như viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, polyp mũi… Tuy nhiên, thuốc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như rát mũi, khô mũi, chảy máu mũi, dùng lâu có thể nấm họng, với một số người nhạy cảm với các thành phần thuốc có thể gây buồn nôn và nôn, kích ứng dạ dày. Vì vậy, khi dùng thấy tình trạng trên phải thông báo cho bác sĩ.
Thuốc hỗn hợp: Thường do các hãng dược trong nước sản xuất, pha chế hỗn hợp thuốc corticosteroid, kháng sinh và co mạch với nhau như hadocort (chứa dexamethazone, neomycine và xylomethazoline), cortiphenicol (chứa cloramphenicol và hydrocortisone), nemydexan (chứa neomycine, dexamethazone), collydexa (chứa cloramphenicol, dexamethazone và naphazoline)… Các thuốc này ngoài tác dụng thông mũi thì còn có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và kháng khuẩn. Tuy nhiên, thuốc cũng gây tác dụng phụ mất tính đàn hồi niêm mạc mũi, quá phát cuốn mũi khi dùng kéo dài nên cũng không dùng thuốc quá 7 ngày trong 1 đợt điều trị.
Nước muối sinh lý: Là các chế phẩm chứa nước muối ở nồng độ đẳng trương so với dịch cơ thể người, có thể là từ các nguồn thiên nhiên (nước biển sâu) hoặc do tổng hợp. Chế phẩm này có tác dụng làm sạch mũi, làm loãng dịch tiết trong mũi và chống khô mũi. Các dịch tiết và bụi bẩn sẽ được tống ra khỏi mũi thông qua việc xì mũi, hắt hơi hoặc hút rửa mũi. Trên lý thuyết thì các chế phẩm này không có tác dụng phụ, dùng được cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ sở sinh.
Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý vấn đề giữ vệ sinh các chai, lọ xịt nhỏ mũi, nhất là phần tiếp xúc với mũi để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng vào trong chai lọ, khi đó lần dùng tiếp theo vô tình đưa vi khuẩn này vào mũi khiến bệnh dai dẳng, kéo dài. Tốt nhất không nên dùng chung lọ xịt, nhỏ mũi. Thông thường khi đã mở lọ ra, với các lọ nhỏ mũi nước muối không nên dùng quá 1 ngày, với các lọ xịt phải kích hoạt, không nén khí, khi dùng không khí ra vào 2 chiều thì không nên dùng quá 1 tuần, với lọ xịt có nén khí, khi dùng nước muối ra theo 1 chiều thì có thể dùng được 1 tháng sau khi đã mở lọ.
Khi bị ngạt mũi, bạn nên làm sạch mũi với nước muối sinh lý trước, nếu sau đó mà hết ngạt thì sẽ không còn cần tới thuốc xịt, nhỏ mũi co mạch nữa. Mong rằng mùa hè này bạn sẽ không còn phải lo ngại khi dùng thuốc xịt và nhỏ mũi nữa.
ThS. BS. Lê Đình Hưng(Khoa TMH, Bệnh viện E Hà Nội)
Theo Suckhoe&doisong