Kiến thức y học phổ thông
Khó chịu do nút biểu bì ống tai
Nút biểu bì là một bệnh lý của ống tai ngoài, tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh. Nhiều người nhầm lẫn nút biểu bì với ráy tai nhưng đây là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau, cần được phân biệt đúng.
Nút biểu bì được hình thành do những mảnh da chết của ống tai ngoài bong ra và kết lại thành khối. Bệnh nhân bị nút biểu bì phàn nàn những biểu hiện giống như triệu chứng của cục ráy tai: họ nghe kém hơn kèm theo ù tai, cảm gác như có vật gì chèn chặt lấy tai như khi họ bịt tai, thỉnh thoảng lau tai có mùi thối hoặc nước trắng đục chảy ra cửa tai.
Khám tai thấy da ống tai ngoài thường ẩm ướt, toàn bộ ống tai bị lấp đầy bởi một tổ chức màu trắng đục, lổn nhổn như bã đậu, có mùi thối khẳn. Màng nhĩ hoàn toàn bình thường. Nút biểu bì thường bị ở một bên ống tai, chỉ có 5% số trường hợp nút biểu bì xuất hiện ở cả hai bên ống tai ngoài.
Nút biểu bì và ráy tai là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau. Ai cũng có ráy tai, tất nhiên là ít hay nhiều khác nhau còn nút biểu bì thì chỉ xuất hiện khoảng 7%. Khi quan sát: cục ráy tai màu đen hoặc nâu còn nút biểu bì màu trắng vàng giống như cục giấy bản vo viên, đôi khi nút biểu bì có thể cùng phối hợp với ráy tai.
Vì cholesteatoma là chất nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân do bản chất phá hủy xương đưa viêm nhiễm lan vào trong sọ. Nút biểu bì và cholesteatoma đều có màu trắng đục, thối khẳn. Nút biểu bì nếu có ở những người có tiền sử viêm tai giữa thủng màng nhĩ cũng có thể tạo ra cholesteatoma khi đi qua lỗ thủng vào tai giữa.
Người ta nghĩ đến cholesteatoma ở những người có tiền sử chảy mủ tai thối hay đau đầu. Khám thấy lỗ thủng màng nhĩ, chụp Xquang thấy có thương tổn ở thượng nhĩ hoặc xương chũm. Phản ứng hóa học trong cholesteatoma và trong nút biểu bì đều cho thấy có nhiều cholesterol. Giải phẫu bệnh học cho thấy trong cholesteatoma có màng khuôn bằng tổ chức liên kết.
Mounier-Kuhn thấy rằng ở những bệnh nhân bị viêm xoang và giãn phế quản thường hay có nút biểu bì ở tai.
Nút biểu bì tồn tại lâu dài có thể gây tác hại đến ống tai: da ống tai bị mỏng hoặc loét, xương ống tai bị teo đi làm cho phần trong của ống tai mở rộng. Nút biểu bì có thể sinh ra biến chứng như viêm tai ngoài hoặc nhọt ống tai. Lúc này bệnh nhân bị sốt, đau nhức tai, nhất là khi nhai hoặc ngáp. Da ở cửa tai hoặc sau tai có thể bị sưng đỏ, ấn đau. Hạch sau tai xuất hiện.
Nguyên tắc: phải lấy bỏ nút biểu bì. Khi thấy tai có mùi thối, cần nghĩ đến nút biểu bì ống tai (nếu không có tiền sử viêm tai giữa), cần đến các cơ sở tai mũi họng để lấy mà không nên tự ý dùng tăm ngoáy tai vì rất dễ làm tổn thương da ống tai ngoài, đồng thời đẩy nút biểu bì vào sát màng nhĩ, khó khăn cho việc lấy bỏ sau này.
Trước tiên nên làm mềm nút biểu bì bằng cách nhỏ vào tai dầu salixylic (axit salixylic) 0,20g, dầu lạc (trung bình 20ml), mỗi ngày nhỏ 2 lần, mỗi lần 3 giọt, lấy bông đút nút cửa tai lại trong 5 ngày. Sau đó bơm nước 37oC vào tai để đẩy dị vật ra như đối với ráy tai.
Nút biểu bì thường khó lấy ra hơn ráy tai cho nên đôi khi chúng ta phải dùng móc tai tù lôi ra. Nếu lấy lần đầu không ra thì nhỏ thuốc thêm vài ba hôm rồi hãy lấy tiếp. Một số trường hợp nên gây tê ống tai ngoài rồi mới lấy do nút biểu bì bám chặt vào màng nhĩ làm bệnh nhân đau và không hợp tác.
Nếu có viêm nhiễm ống tai ngoài, bên cạnh việc loại trừ nút biểu bì phải sử dụng kháng sinh toàn thân đường uống kết hợp với thuốc nhỏ tai tại chỗ trong một tuần.
Nút biểu bì có thể tái phát nên sau đó, hàng năm, bệnh nhân cần đi khám lại. Nếu hay tái phát, phải dự phòng bằng cách nhỏ thuốc chống viêm và kháng sinh tại chỗ theo đợt tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà thầy thuốc có chỉ định cụ thể.
Theo Suckhoe&doisong