Kiến thức y học phổ thông
Sử dụng kháng sinh không đúng = rước họa
Kháng sinh càng ngày càng có nhiều biệt dược mới xuất hiện và kháng sinh cũng là một loại thuốc được sử dụng nhiều nhất trong điều trị. Tuy vậy, do một số thuốc kháng sinh còn có tác dụng phụ (tác dụng không mong muốn) làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như cuộc sống của người bệnh nên chúng ta cần tìm hiểu để có hướng khắc phục.
Kháng sinh là một chất có nguồn gốc sinh học, tổng hợp hoặc bán tổng hợp mà ngay ở nồng độ thấp đã có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn một cách đặc hiệu. Tức là kháng sinh có tác dụng trực tiếp lên vi khuẩn ở tầm phân tử để tiêu diệt chúng hoặc làm chậm sự phát triển của chúng, giúp cho hệ miễn dịch của con người giải quyết quá trình nhiễm khuẩn. Sự tác động của kháng sinh ức chế quá trình tổng hợp vách của tế bào vi khuẩn hoặc ức chế chức năng của màng tế bào làm ảnh hưởng đến chức năng hấp thu của màng tế bào vi khuẩn hoặc ức chế quá trình tổng hợp protein của tế bào.
Ngoài ra, kháng sinh còn có khả năng ức chế quá trình tổng hợp acid nucleic (acid nhân) của tế bào vi khuẩn. Tất cả các quá trình tác động của kháng sinh lên tế bào vi khuẩn đều có khả năng làm cho vi khuẩn bị tiêu diệt hoặc không phát triển được hoặc chậm quá trình phát triển. Đó là tính chất dược lực học của thuốc, ngoài ra, thuốc kháng sinh còn phải có tính dược động học của nó, tức là thời gian để thuốc có tác dụng và thời gian thuốc hết tác dụng.
Đặc điểm nổi bật của các loại kháng sinh là chỉ tác động vào vi khuẩn chứ không có tác động vào bất kỳ một loại virut nào. Sở dĩ như vậy là do cấu trúc phân tử của vi khuẩn và virut hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, chỉ dùng kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, tức là các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, không bao giờ dùng kháng sinh để điều trị khi biết chắc chắn là người bệnh mắc bệnh nhiễm trùng do virut (ví dụ bệnh cúm, sởi, quai bị, thủy đậu…). Tuy vậy, trong một số trường hợp bệnh nhiễm trùng do virut gây ra nhưng có thể phải dùng thêm kháng sinh bởi vì đã bị hoặc có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn.
Tác dụng phụ không mong muốn đáng sợ nhất là gây sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể xảy ra cho bất kỳ ai, bất cứ lúc nào và bất cứ loại kháng sinh gì nhưng hay gặp nhất vẫn là nhóm penicilin, cephalosporin, aminosid, cyclin... Sốc phản vệ là một tai biến kinh hoàng không thể lường trước được và đôi khi bất khả kháng trong việc xử trí nếu xảy ra nhanh, cấp tập. Có trường hợp ngay cả khi thử phản ứng với liều lượng cực kỳ nhỏ, đúng theo nguyên tắc và đúng kỹ thuật nhưng sốc phản vệ vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, đối với thầy thuốc thì phải hết sức thận trọng và người nhà bệnh nhân trong những trường hợp đặc biệt cũng nên chia sẻ với thầy thuốc về sự cố không mong muốn này. |
Mỗi nhóm kháng sinh có cơ chế tác dụng vào vi khuẩn khác nhau và đặc biệt, mỗi một nhóm kháng sinh cũng có những tác dụng phụ cho người sử dụng khác nhau. Với các loại kháng sinh như ampicillin, amoxicillin có khả năng gây dị ứng và có thể dị ứng muộn. Vì vậy, cần hỏi kỹ tiền sử người bệnh về việc sử dụng kháng sinh và tình trạng cơ địa dị ứng để có hướng sử dụng kháng sinh thích hợp.
Đối với nhóm kháng sinh aminoglycosid có thể gây độc tính đối với cơ quan thính giác, thận và cả trên hệ thống cơ xương: Đối với thính giác, chúng gây nên độc hại với ốc tai tiền đình được biểu hiện như ù tai, chóng mặt, buồn nôn, nôn, mất thăng bằng, đặc biệt có thể mất khả năng nghe khó hồi phục; Với thận thì các thuốc nhóm này có thể gây độc cho vỏ thận, làm tổn thương chức năng thận, suy thận, vì vậy, rất cần lưu ý đối với người đã và đang mắc bệnh về thận, nhất là người cao tuổi; Với hệ thống cơ, xương, nhóm thuốc này cũng gây ảnh hưởng đáng kể như làm liệt cơ, đặc biệt là các cơ hô hấp. Để hạn chế tác dụng phụ của nhóm thuốc này, nên dùng đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc, Khi thấy có biểu hiện bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Đối với nhóm phenicol, tác dụng không mong muốn là ảnh hưởng tới tủy xương, thần kinh, tiêu hóa hoặc gây quá mẫn. Điển hình là gây suy tủy xương nếu điều trị liều cao và dài ngày. Vì vậy, rất thận trọng khi điều trị và khi phát hiện có triệu chứng bất thường thì cần ngưng ngay điều trị và đặc biệt không dùng cho phụ nữ đang mang thai và trẻ em.
Đối với nhóm cyclin thì tác dụng phụ chủ yếu đối với răng là làm cho răng vàng, khó khắc phục, đồng thời cũng có thể có tác dụng không mong muốn lên gan, rối loạn tiêu hóa và hệ thính giác. Với các loại thuốc nhóm này, phụ nữ đang mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi không được dùng.
Với nhóm kháng sinh quinolon là loại có khá nhiều tác dụng không mong muốn như tác động lên hệ thần kinh có thể gây động kinh hoặc gây viêm gân mà điển hình nhất là gây viêm gân gót (gân Acille), đặc biệt là trên bệnh nhân đã từng dùng hoặc đang dùng thuốc glucocorticoid liều cao và dài ngày hoặc đối với người cao tuổi. Đối với phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 16 tuổi cũng không được dùng các loại thuốc thuộc nhóm này vì chúng có tác động xấu cho hệ sụn xương, nhất là các loại sụn ở các khớp chịu lực.
Một số nhóm thuốc kháng sinh tác dụng không mong muốn lên gan gây các biểu hiện lâm sàng khá rõ rệt, ví dụ như rifampicin, nếu điều trị liều cao, dài ngày rất có thể làm ngộ độc gan gây gan to, đau, vàng da… Nếu ngừng điều trị và có chế độ ăn, nghỉ ngơi tốt thì gan sẽ trở lại bình thường trong một thời gian nhất định.
Ngoài một số tác dụng không mong muốn của thuốc kháng sinh do nhiều nguyên nhân đưa đến và làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chất lượng cuộc sống thì còn một số thiếu sót do người sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý làm cho vi khuẩn kháng thuốc, làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Vì vậy, để khắc phục điều này, thầy thuốc cần có chỉ định dùng kháng sinh đúng và hợp lý, còn người dân không tự động mua thuốc kháng sinh để điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Theo Suckhoe&doisong