Kiến thức y học phổ thông
Dùng thuốc uống dạng hỗn dịch thế nào?
Thuốc dạng hỗn dịch có khá nhiều loại và thường được sử dụng cho trẻ em hoặc người cao tuổi. Ðây là dạng thuốc có hiệu quả sử dụng rất tốt nếu dùng thuốc đúng theo quy định. Do đặc điểm của thuốc, cách sử dụng và bảo quản ảnh hưởng rất lớn đến sinh khả dụng của thuốc trong điều trị.
Hỗn dịch thuốc uống là dạng thuốc lỏng để uống có chứa dược chất rắn không hòa tan ở dạng hạt thật nhỏ được phân tán đồng nhất trong một dẫn chất thích hợp. Cần phân biệt với dạng hỗn dịch dùng để tiêm hoặc dùng ngoài. Thường thì dạng hỗn dịch để uống được dùng nhiều trong các khoa nhi hoặc lão khoa và được hướng dẫn cho người bệnh hoặc người nhà của họ tự sử dụng mà không cần sự trợ giúp của nhân viên y tế. Các chất dẫn thường dùng trong thuốc hỗn dịch là: nước, nước thơm, dung dịch dược chất...
Ưu điểm của thuốc hỗn dịch là hạn chế được nhược điểm của một số dược chất khi hòa tan kém bền vững hoặc có mùi vị khó uống và gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hoá. Thông thường, các chế phẩm dạng này thường là các lọ bột thuốc, kèm theo hướng dẫn để người dùng thêm nước vào cho thành dạng hỗn dịch. Cần lắc kỹ trước khi sử dụng các thuốc dạng hỗn dịch. Tuy nhiên, chỉ lắc cho đến khi chai (lọ) thuốc thành một dung dịch đồng nhất chứ không phải là trong suốt vì có nhiều dược chất không hòa tan hoàn toàn. Thuốc dạng hỗn dịch rất hay được sử dụng cho người cao tuổi hoặc trẻ em vì dễ chia liều, dễ uống.
Dạng keo (gel): là một dạng hỗn dịch đặc biệt, trong đó các thuốc bị hydrate hóa trong môi trường nước. Thuốc có thể ở dạng keo đặc hay lỏng, trong suốt hay hơi đục... Thường được dùng để giảm viêm, kháng acid trong điều trị viêm loét dạ dày hay đường tiêu hoá. Chế phẩm dùng qua đường uống hiện nay có bán khá nhiều loại tại các nhà thuốc như phosphalugel, pepsane, sucrate... Người dùng thuốc cần phải đọc kỹ hướng dẫn để sử dụng thuốc có hiệu quả nhất.
Thuốc bột dùng để pha uống: có nhiều loại như dạng bột, dạng hạt nhỏ hay cốm (nếu là thuốc nhập ngoại trên nhãn có chữ powder hoặc granules). Thường được đóng trong gói nhỏ (cho một liều uống) hoặc trong chai, lọ nhựa hay thủy tinh... (cho nhiều liều uống, pha xong phải bảo quản đúng cách để dùng cho một số ngày sau đó). Khi sử dụng các loại hỗn dịch uống này, gói thuốc hoặc chai, lọ thuốc sẽ được hòa tan với nước lọc và dùng để uống.
Dạng dịch lỏng (solution/fluid/liquid) là một hỗn hợp gồm một hay nhiều thuốc dạng đặc hòa tan trong một dung dịch chuyên chở lỏng. Phân tử của các chất hòa tan thuần nhất với nhau nhưng không thay đổi tính chất hóa học của mỗi loại. Một số chế phẩm nhập ngoại có ghi chữ dung dịch uống bằng tiếng Anh: oral solution. Chế phẩm thường gặp như tanakan, arginine, tot’hema, heptamyl, neopeptine, mylanta liquid...
Dạng hỗn dịch hay dịch treo (suspension hay viết tắt susp): nhiều loại thuốc không thể hòa tan được trong những dung môi phù hợp với việc dùng thuốc, nên những thuốc này phải được dùng dưới dạng đặc hay dạng hỗn dịch (dịch treo). Hỗn dịch có cấu tạo hóa học bền vững hơn dạng dung dịch, luôn luôn gồm một hay nhiều thuốc ở dưới dạng các hạt đặc, nhỏ nằm lơ lửng trong dung dịch nền. Các dịch treo thường được dùng để uống thường gặp như klacid, ceclor, cipro, omnicef, motilium, tylenol, rocgel...
Cách pha các lọ thuốc có in chữ: Bột pha hỗn dịch để uống là phải cho nước đun sôi để nguội vào trong lọ bột. Tùy theo loại thuốc để lấy đúng lượng nước thích hợp. Phần lớn mỗi lọ thuốc này đều có in hay dán mũi tên (có thể nằm ngang hay thẳng đứng) hay một vạch ngang, chúng ta chỉ cần đổ nước tới dấu chỉ đó là được. Sau đó cần phải lắc để bột phân tán đều và cho thêm nước cho đúng vạch. Mỗi lần cho trẻ uống cũng phải lắc đều. Sau khi pha nước với bột như hướng dẫn, ta sẽ được một lọ thuốc nước có thể tích đúng như trên nhãn in.
Vì đây là hỗn dịch không phải dung dịch nên chỉ cần bột trộn đều với nước, không vón cục là được. Trong mỗi lọ thuốc đều có kèm một dụng cụ để lấy thuốc. Có thể là một bơm lấy thuốc, một cốc nhỏ (có chia vạch theo thể tích) hay một cái thìa nhỏ (thường gọi là thìa cà phê). Theo quy ước 1 thìa cà phê = 5ml. Còn nếu dùng thìa to (gọi là thìa canh) thì 1 thìa canh =10ml. Chú ý dùng dụng cụ của lọ thuốc để lấy đủ lượng thuốc khi cho người bệnh uống mỗi lần bao nhiêu ml.
Cần phải chú ý bảo quản thuốc sau khi pha theo hướng dẫn riêng của nhà sản xuất in trong tờ hướng dẫn kèm theo hộp thuốc. Sau khi pha nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Kết thúc đợt điều trị, lượng thuốc không dùng hết nên bỏ đi. Thường thì mỗi lọ thuốc dạng hỗn dịch cũng chỉ đóng gói sao cho thể tích vừa đủ dùng của khoảng 4-5 ngày. Không được để quên quá lâu sau lại đem ra dùng thì khi đó thuốc đã mất hoạt tính hoặc bị biến chất có thể gây các phản ứng không mong muốn.
Theo Suckhoe&doisong