Kiến thức y học phổ thông
Thuốc nhỏ mũi loại co mạch: Con dao hai lưỡi
Trên thị trường các thuốc nhỏ mũi như ephedrin, naphazolin, oxymetazolin... có vẻ như đã trở nên quá quen thuộc với người dân. Đây là các thuốc nhỏ mũi thuộc loại co mạch tại chỗ để chống ngạt, làm thông mũi, đặc biệt trong viêm mũi cấp và viêm xoang...
Ephedrin được dùng chữa triệu chứng sung huyết mũi, thường đi kèm với cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm mũi, viêm xoang. Tuy nhiên do thuốc có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương gây khó ngủ hoặc mất ngủ nên không dùng ephedrin sau 4 giờ chiều, và không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi.
Oxymetazolin được chỉ định làm giảm tạm thời sung huyết mũi do cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang, giảm sung huyết ở xoang. Mũi được thông khí trong một thời gian ngắn. Dùng oxymetazolin có thể gây tác dụng phụ toàn thân như tăng huyết áp, hồi hộp lo lắng, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu. Không dùng thuốc nhỏ mũi oxymetazolin 0,05% cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Naphazolin có tác dụng trị nghẹt mũi do viêm mũi và viêm xoang. Tuy nhiên thuốc cũng có những tác dụng không mong muốn như: buồn nôn, nhức đầu, mất ngủ, lú lẫn… dùng quá liều có thể gây sung huyết hay chảy mũi.
Việc dùng các thuốc co mạch không chỉ làm cho mũi thở thông, chống xuất tiết mà còn giúp cho bệnh nhân dùng các thuốc điều trị tiếp theo như kháng sinh hay corticoid (khi cần) sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên các loại thuốc này chỉ được khuyến cáo không được dùng quá 7 ngày. Thế nhưng trên thực tế không ít người thấy sự “hiệu nghiệm” của thuốc, cùng với việc dễ mua, giá rẻ đã lạm dụng dùng thuốc kéo dài (có khi hàng tháng, hàng năm), quá liều (dùng quá nhiều lần trong ngày) đã dẫn tới tình trạng bị viêm mũi do thuốc.
Tình trạng ngạt mũi của bệnh nhân sẽ trở nên nặng hơn do cuốn mũi luôn luôn bị co lại một cách cưỡng bức và dần dần hoạt động sẽ lệ thuộc vào thuốc tới một lúc nào đó sẽ trơ đối với thuốc. Niêm mạc mũi sẽ bị xơ hoá, mất tính mềm mại, mất khả năng tự co hồi, giãn nở và còn mất khả năng đề kháng chống lại các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể qua đường mũi. Người bệnh sẽ bị kém ngửi hoặc mất ngửi, thậm chí thi thoảng còn bị đau đầu. Việc điều trị viêm mũi do thuốc này sẽ rất khó khăn và phức tạp thậm chí phải phẫu thuật.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ngạt mũi như viêm mũi cấp, viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, viêm mũi teo, lệch vách ngăn, khối u trong mũi, chấn thương... Tùy từng nguyên nhân sẽ có phương pháp giải quyết khác nhau nên khi có triệu chứng ngạt mũi, người bệnh cần đến bác sĩ tai mũi họng để được khám và xác định bệnh, tránh tình trạng tự ý dùng thuốc, lạm dụng thuốc mà mắc thêm bệnh.
Dược sĩ Hoàng Thu Thủy
Theo Suckhoe&doisong.