Khám và Chẩn đoán
Ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản chiếm khoảng 20% các loại ung thư nói chung. Trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ, nó được xếp thứ 2 sau ung thư vòm. Lứa tuổi thường gặp là 40- 60, chủ yếu là nam giới.
Thanh quản tham gia vào chức năng hô hấp (dẫn không khí ra vào phổi), bảo vệ đường hô hấp (tạo phản xạ ho, sặc khi có vật lạ rơi vào thanh quản, nhằm tống vật lạ ra ngoài) và phát âm. Sự phát âm được thực hiện khi luồng không khí đi qua khe thanh môn, tạo ra sự rung sóng niêm mạc, áp lực không khí ở hạ thanh môn tạo ra cường độ cho tiếng nói, dây thần kinh điều khiển các cơ làm thay đổi tần số, âm sắc tiếng nói. Tiếng nói hoàn chỉnh khi đi qua các bộ phận như họng, mũi xoang, miệng, lưỡi, môi… với những âm sắc đặc trưng cho từng cá nhân. Khi dây thanh bị thương tổn, sẽ gây khàn tiếng hoặc có khi mất hẳn tiếng.
Nguyên nhân gây ung thư thanh quản chưa được xác định rõ, yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá nhiều (98% người bị ung thư thanh quản có hút thuốc lá), uống nhiều rượu, viêm mạn tính hoặc những bệnh tích tiền ung thư như bạch sản, sừng hóa, u nhú thanh quản.
Khàn tiếng là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và ngày càng tăng, dùng các thuốc điều trị viêm thanh quản đều không có tác dụng. Khối u ngày càng phát triển, người bệnh mau mệt, câu nói ngắn hơn. Khi khối u to, dây thanh bị cố định, thanh môn bị hẹp thì tiếng nói trở nên khàn đặc, mất hết âm sắc, nghe khó hiểu.
Khối u lớn dần làm khẩu kính của thanh môn ngày càng hẹp, gây khó thở. Lúc đầu, khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức (lên cầu thang, bê vật nặng…), về sau ngày càng tăng và trở nên liên tục; thỉnh thoảng có những cơn co thắt làm bệnh nhân nghẹt thở tưởng như mình sắp chết. Nếu khi nằm nghỉ ngơi mà vẫn khó thở, bệnh nhân phải được mở khí quản.
Nuốt đau chỉ xuất hiện khi khối u đã lan ra vùng hạ họng, lúc này bệnh nhân không ăn cơm được, chỉ ăn cháo hoặc uống sữa, thậm chí phải đặt ống dạ dày để bơm thức ăn.
Có thể phát hiện bệnh bằng cách soi thanh quản gián tiếp bằng gương, sẽ thấy u sùi nhỏ như bông cải súp lơ, to bằng hạt đậu ở một bên dây thanh, hoặc có vết loét nằm trên một nền thâm nhiễm ở 2/3 trước của dây thanh. Nếu phát hiện trễ, khối u phát triển to sẽ lan sang bên dây thanh đối diện, lan xuống hạ thanh môn hoặc vùng trên thanh môn, lan vào hạ họng, miệng - thực quản. Các biện pháp chẩn đoán là soi thanh quản trực tiếp bằng ống soi, qua đó lấy một mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý, giúp chẩn đoán xác định ung thư thanh quản.
Nếu không được điều trị, ung thư thanh quản sẽ gây tử vong trong vòng 1-3 năm vì bị suy kiệt hay nghẹt thở, chảy máu (do ung thư di căn vào phổi, gan, xương). Nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể khỏi hẳn hoặc sống thêm khá lâu so với những loại ung thư khác.
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư thanh quản, tùy thuộc vào vị trí, mức độ ăn lan của ung thư và thể trạng người bệnh. Đến nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp thường được lựa chọn, kế đến là xạ trị và hóa trị hoặc phối hợp giữa các phương pháp trên. Tuy nhiên trong tương lai, với sự tiến bộ về y học, các phương pháp xạ trị, hóa trị sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, hoặc có những phương pháp mới thay thế dần phẫu trị và bảo tồn được chức năng của thanh quản.
Vấn đề nói và thở sau khi cắt thanh quản
Nếu bệnh nhân được phát hiện và điều trị sớm khi ung thư còn khu trú ở một thanh đai thì chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ một phần thanh quản có liên quan với khối u. Bệnh nhân sau mổ có thể nói và thở qua đường tự nhiên, mặc dù tiếng nói không trong trẻo như trước.
Nếu phát hiện muộn, khi ung thư đã lan rộng thì buộc phải cắt bỏ toàn bộ thanh quản. Lúc này, bệnh nhân phải thở qua lỗ mở khí quản ra da ở cổ và không nói được. Tuy nhiên, có nhiều cách để giúp người bệnh có thể nói như: Tạo một khe thanh môn mới sau khi cắt bỏ thanh quản; đặt ống phát âm xuyên qua thành khí thực quản; dùng máy điện tử; luyện nói bằng giọng thực quản… Nhưng dù cách nào đi nữa, người bệnh cũng phải tập luyện mới nói trở lại được.
Cách phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây ung thư như thuốc lá và rượu. Các nghiên cứu cho thấy số người hút thuốc lá bị ung thư thanh quản chiếm 12%, so với người không hút thuốc lá là 2%.
Nếu khàn tiếng kéo dài quá 2 tuần xảy ra ở người trên 40 tuổi, đã dùng những thuốc kháng viêm thông thường nhưng không khỏi thì phải đi khám tai mũi họng. Đối với những bệnh nhân bị u nhú thanh quản (papillome), bạch sản thanh quản, phải khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm những trường hợp bệnh có thể chuyển thành ung thư.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)