Kiến thức cần biết
Điều trị ngáy bằng phẫu thuật
Ngáy là những tiếng thở ồn ào do sự rung và tắc một phần họng, một số ca do sự bất thường về giải phẫu còn đa phần là do nhược trương lực họng chức năng. Sullivan và cộng sự 1980 cũng như Ulfberg 1996 cho rằng có thể do hiệu ứng Bernoulli trong đó liên quan đến mặt cắt ngang qua họng hẹp tương đối. Khi đó do hiệu ứng Bernoulli, luồng khí đi nhanh qua chỗ hẹp gây rung mô mềm đường dẫn khí tần số cao tạo ra tiếng ngáy.
Bình thường hầu như mỗi chúng ta ai cũng thỉnh thoảng đều ngáy. Ngáy sẽ trở thành vấn đề y khoa khi nó trở thành thói quen, gây ra những khó chịu cho những người xung quanh hoặc khi nó kết hợp với những triệu chứng của hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Ngáy thói quen gặp trong 9-35% số người lớn. Tần xuất tăng dần cho đến 60-65 tuổi. Sau đó giảm nhẹ (Lugaresi và cộng sự 1980)
Điều khiển thần kinh cơ cũng là một yếu tố góp phần làm xẹp đường hô hấp trên. Sự rung do ngáy kéo dài có thể dẫn đến sang thương ở thần kinh hướng tâm và ly tâm phân bố ở đường hô hấp trên. (Svanborg 2001, Friberg. 1998). Trong nghiên cứu của Kimoff, người ngáy và bệnh nhân bị hội chứng ngừng thở lúc ngủ, so với người bình thường, có sự suy giảm cảm giác của đường hô hấp trên mà có thể dẫn đến ngừng thở trong một thời gian dài. (Kimoff. 2001)
Mục đích phẫu thuật can thiệp vào khẩu cái mềm là thu nhỏ, làm chắc hơn và ổn định hơn khẩu cái mềm. Số liệu phẫu thuật cho thấy tỷ lệ thành công ( giảm ngáy ) ở bệnh nhân ngáy là 80% còn ở bệnh nhân có hội chứng ngừng thở lúc ngủ là 50% (Larsson 1994). Tuy nhiên những phương pháp phẫu thuật này đi kèm với một số biến chứng nguy hiểm (Carenfelt. 1993, Ylikoski 1995). Hơn nữa tần suất của những tác dụng phụ lâu dài trên nuốt, ợ, vị, ngửi, và phát âm lên đến 40-60% (Hagert. 2000).
Do đó phương pháp cắt bỏ một phần mô khẩu cái mềm bình thường không thể xem như giải pháp tối ưu để điều trị ngủ ngáy. Trong tương lai cần thay bằng một phương pháp khác ít gây biến chứng hơn.
Năm 1943 Strauss đề nghị tiêm chất gây xơ (sylnasol) vào khẩu cái mềm tạo xơ để điều trị ngáy. Phương pháp này được tái giới thiệu mới đây trong đó 27 bệnh nhân được tiêm sodium tetradecyl sulfate (Brietzke. 2001). 25 trong 27 (92%) bệnh nhân có giảm ngáy. Ở nhật, Phẫu thuật tạo hình khẩu cái lưỡi gà (UPPP) được giới thiệu bởi Ikematsu năm 1964 và Fujita năm 1981. Đây là phẫu thuật phổ biến nhất điều trị ngáy và được dùng rộng rãi. UPPP hiệu quả giảm ngáy khoảng 80% (Levin 1994). Phương pháp phẫu thuật laser tạo hình khẩu cái và lưỡi gà bằng laser (LUPP) để làm ngắn khẩu cái được dùng đầu tiên ở thụy điển trong những năm 1980 với nghiên cứu trên 146 bệnh nhân với tỷ lệ thành công 90% (Carenfelt 1991). Ellis ở Anh giới thiệu một phương pháp mới trong đó tạo một sang thương bỏng bằng laser để tạo sẹo ở khẩu cái mềm. Kết quả ngáy giảm trong 14/16 (88%) bệnh nhân. Những phương pháp khác gồm tạo hình khẩu cái lưỡi gà bằng laser (LAUP) giới thiệu bởi Krespi ở Mỹ năm 1994 và Kamami ở Châu âu năm 1994. Những kỹ thuật khác gồm cắt lưỡi gà đơn độc (Lindholm 1990), cắt lưỡi gà với bóc niêm mạc (Powell 1996), đốt cauther điện (Clarke 1998), tạo hình họng khẩu cái lưỡi gà dưới niêm mạc (Friedman 2000) và tạo hình họng Z (Mukai 2002) với tỷ lệ thành công từ 67% - 92%.
Gần đây thế giới đưa kỹ thuật coblation vào điều trị ngủ ngáy, mục đích của phương pháp này nhằm làm cứng khẩu cái mềm bằng dòng điện tần số radio để giảm ngáy. Người ta có thể đốt màn khẩu cái đơn thuần hoặc kết hợp với chỉnh hình màn khẩu cái.
TS.BS. Trần Anh Tuấn