Kiến thức cần biết
Các PP phẫu thuật nạo VA
Các phương pháp phẫu thuật nạo VA:
Từ trước đến nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều phương pháp nạo VA khác nhau
Đó là phương pháp được nói đến nhiều nhất và đã được sử dụng từ lâu cho đến ngày nay. Đây là phương pháp đơn giản và nhanh nhưng vì nạo mù hoặc nhìn bằng đèn đầu phản xạ gián tiếp qua gương theo đường miệng nên phẫu thuật viên hoặc không thấy hoặc thấy không rõ khối VA, từ đó khó đánh giá chính xác vị trí, kích thước của khối VA, khi đưa currett Moure vào khó đặt đúng hoặc không thể đặt tới vị trí bờ trên của khối VA đưa đến nạo không chính xác, không triệt để, bỏ sót bệnh tích, thậm chí có thể gây tổn thương đến một số tổ chức xung quanh như gờ vòi, niêm mạc vùng họng mũi và quan trọng hơn là không thể lấy hết mô VA viêm.
* Nạo bằng Moure kết hợp nội soi qua đường mũi
Tuy có cải thiện tầm nhìn nhưng đối với những bệnh nhi nhỏ thì không thể nạo phần ngoài của khối VA bằng currett mà phải dùng kềm cắt. Chỉ phần bó chính của VA ở giữa mới lấy được bằng currett.
* Nạo bằng dao điện đơn cực dạng ống hút kết hợp với nội soi qua đường mũi
Phương pháp này tuy giảm được lượng máu mất nhưng khó thao tác do hạn chế tầm di chuyển của điện cực, dễ gây trầy xước niêm mạc hố mũi, và có thể không dùng được cho những trường hợp bệnh nhân có hố mũi quá hẹp. Hơn nữa ống hút là dạng đơn cực, để phẫu thuật được thì phẫu trường phải khô nên nhiệt độ cắt đốt lớn hơn, mẩu mô cắt ra khô và dính nên khó hút ra ngoài dễ gây tắc ống điều này làm thời gian phẫu thuật kéo dài.
* Nạo bằng Moure kết hợp với nội soi qua đường miệng
Phương pháp này có tầm nhìn vẫn hạn chế hơn phương pháp đưa ống soi qua mũi do không nhìn trực diện khối VA, dụng cụ che tầm nhìn của nội soi, khoảng cách từ ống soi đến VA dài nên một số trường hợp tác giả phải vén khẩu cái mềm bằng dây cao su.
* Nạo bằng microdebrider kết hợp nội soi qua đường miệng
Phương pháp này gây chảy máu khá nhiều vì không thể vừa cầm máu vừa cắt.
* Nạo bằng Coblator thẳng qua đường miệng và đèn đầu:
Tầm nhìn bị hạn chế do hố mổ sâu và điện cực khá lớn che chắn giữa tầm nhìn của phẫu thuật viên và hố mổ. Một số trường hợp bệnh nhân khi nạo VA cần nằm ở vị trí trung tính như có bệnh lý ở cột sống cổ. Đối với những bệnh nhân bị thiểu sản xương hàm, há miệng hạn chế, bệnh nhi nhỏ, khoang miệng và eo họng hẹp, màn khẩu cái dài thì không thể thực hiện được ( không đưa được điện cực vào hố mổ, không thấy phẫu trường).
* Nạo VA bằng Coblator (điện cực cải tiến) kết hợp nội soi qua mũi
So với những phương pháp nạo VA nêu trên, phương pháp nạo VA bằng điện cực Coblator cải tiến kết hợp với nội soi qua mũi có những ưu điểm sau :
Nội soi qua mũi cho phép quan sát trực diện, cận cảnh và phóng đại những vùng phẫu trường kín như vùng họng mũi mà không thể hoặc thấy không rõ bằng đèn Clar hoặc gương trán thậm chí là nội soi qua miệng. Về mặt lý thuyết, đối với những trường hợp có hố mũi hẹp như vẹo vách ngăn thì có thể khó đưa ống nội soi vào qua mũi nhưng thực tế tôi đã sử dụng được ống soi 4mm cho tất cả bệnh nhi
2. Hệ thống coblator rất lý tưởng để nạo cắt VA :
Coblator cũng là hệ thống phẫu thuật điện nên nó vừa cắt vừa cầm máu nên không gây mất máu nhiều như trường hợp nạo bằng currett, laforce hoặc microdebrider.
Hệ thống coblator cắt đốt ở nhiệt độ thấp nên không gây tổn thương mô lành xung quanh như dao cắt đơn cực.
Do đặc điểm cấu tạo của điện cực coblator có hệ thống tưới nước và hút đồng thời nên khi mô VA bị phân cắt ra sẽ được hút đi ngay cùng với nước tạo hiểu quả giống như cắt bằng microdebrider nhưng không gây mất nhiều máu. Và cũng không gây tắc ống như trong trường hợp dùng ống hút điện đơn cực. Phẫu thuật viên chủ động vừa cắt, vừa hút không phụ thuộc vào sự phối hợp nhịp nhàng của người phụ
3. Việc cải tiến điện cực coblator cho phép đưa điện cực qua đường miệng dễ dàng đến tất cả các vùng VA cần nạo và có thể sử dụng cho cả những bệnh nhân có eo họng hẹp, dài, há miệng hạn chế, bệnh nhân bị hạn chế cử động cột sống cổ.
Việc cải tiến điện cực để có thể đưa qua miệng đã khắc phục được một số nhược điểm của các phương pháp như sau:
(1) Đưa điện cực qua miệng khắc phục được hạn chế của phương pháp cùng đưa ống soi và điện cực thẳng, điện cực dạng ống hút qua 1 hốc mũi làm hạn chế tầm di chuyển của điện cực, dễ gây trầy niêm mạc hốc mũi và có thể không dùng được trong nhưng trường hợp hốc mũi quá nhỏ.
(2) Đưa điện cực qua miệng nên không cản trở tầm nhìn của nội soi, có thể dễ dàng nạo VA ở những vị trí hẹp, sâu, ngóc ngách và những nơi dễ bị tổn thương (ví dụ gờ vòi). Không cần vén khẩu cái mềm
(3) Đưa đầu điện cực qua miệng đến tất cả các vùng VA cần nạo khắc phục được hạn chế của phương pháp sử dụng điện cực coblator thẳng qua miệng vì phương pháp này không thể thực hiện trên những bệnh nhân bị há miệng hạn chế, eo họng hẹp, dài, bệnh nhân bị hạn chế cử động cổ.
Qua những ưu điểm nêu trên chúng tôi có thể kết luận : Coblator với điện cực cải tiến kết hợp với nội soi qua mũi (Cơ sở 2 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là nơi đầu tiên đưa vào áp dụng kỹ thuật này) là phương pháp rất tốt để nạo VA. Nó có thể kiểm soát tất cả các vấn đề cần kiểm soát cho một cuộc mổ nạo VA (tầm nhìn rõ, cầm máu tốt, ít tổn thương, nạo triệt để) từ đó khắc phục được một số hạn chế của các phương pháp kinh điển khác.
TS.BS. Trần Anh Tuấn